SỐNG CHÍNH LÀ NGƯỜI, NGƯỜI THÌ PHẢI SỐNG
Có loài thánh cầm ba niên không hót, một khi cất tiếng phượng minh kinh động cả núi rừng. Zarathustra nơi sơn cùng thủy tận ẩn cư mười niên bất xuất, một khi xuất thế rúng động cả nhân sinh. Chỉ cần là người kiên trì chí hướng, bất kể họ ẩn nhẫn bao lâu, gặp phải bao nhiêu nghịch cảnh, sẽ có ngày họ nhất nhật thành danh.
Tôi đọc Của Người, Truy tìm Ý nghĩa của Frankl. Ngay cả trong hoàn cảnh tưởng chừng tuyệt vọng nhất, đối mặt với những sự tàn bạo tưởng chừng vô lý nhất, phải chịu đựng những sự mất mát tưởng chừng to lớn nhất, con người vẫn có thể tìm ra ý nghĩa sống của mình. Một con người, trước đây là một bác sĩ tiếng tăm, có gia đình vợ con đầm ấm, có địa vị của cải, muốn danh có danh muốn phận có phận, nay bị giam vào lao ngục vĩnh cửu, chịu mọi thứ đọa đày khổ sai. Gia đình mà ông yêu quý nhất nay sống chết không rõ; công trình khoa học ông tâm đắc nhất nay còn chẳng giá trị bằng một điếu thuốc ẩm ướt. Đói, rét, bệnh tật, tra tấn, cái chết luôn cận kề. Đồng loại của ông, cũng xương thịt cũng máu nóng, cũng mắt mũi miệng tay chân, còn chẳng nhận ông là người; đồng tộc của ông, cũng nô lệ khổ sai, cũng mất hết tất cả, còn bóc lột nhau, tố cáo nhau, giành giật của nhau! Đến nhân cách còn bị tước bỏ, đến đồng tộc còn phản bội nhau, thử hỏi lấy sức mạnh đâu để người có thể sống tiếp? Ấy vậy mà, chính những người gần nhất với cái chết ấy, khao khát sống của họ càng mãnh liệt, đức tin của họ càng sắt đá hơn ai hết. Như Nietzsche đã nói, nếu ngươi có một cái vì sao để sống, ngươi có thể chịu đựng hết thảy những cái sống như thế nào.
Tôi xem Tất cả, Mọi nơi, Cùng một lúc của cặp Daniel. Khi Joy trở thành đấng toàn năng và toàn tri, cô đã không trở thành đấng Cứu thế toàn thiện như loài người kiêu căng đã tưởng tượng. Cô đã quyết định rằng loài người không xứng đáng được cứu rỗi, rằng toàn bộ thực tại chỉ đầy rẫy đau khổ, và rằng sự giải thoát cuối cùng khỏi mọi đau khổ chính là hư vô. Nếu ngươi trừng mắt nhìn đủ lâu vào thâm uyên, thâm uyên sẽ trừng mắt nhìn thẳng vào linh hồn ngươi. Cứu thế cũng chính là diệt thế vậy. Người chính là Chúa trời, là Đấng Tối cao, là hoàn vũ, là tất cả thực tại; và một khi Người chết đi, toàn bộ thế giới sẽ chết theo Người. Cô đã hỏi câu hỏi của Camus, và đã kết luận rằng, vô lý thay mà cũng hợp lý thay, cô nên tự kết liễu tất cả. Để chứng thực quyết định của mình là sáng suốt, cô đã tìm đến mẹ của mình, cũng là người đã, bằng sự kiêu căng của mình, tạo ra Chúa trời -- Evelyn. Muốn tháo chuông phải tìm người buộc chuông. Evelyn của thực tại này tưởng chừng như là một Evelyn thất bại nhất, bế tắc nhất, với sự hỗn độn luôn kề sát bên. Gia đình có thể tan vỡ bất cứ lúc nào, sự nghiệp có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, và Joy -- niềm vui sống, raison d'être của Evelyn, cũng là một thất bại khi Joy đi ngược lại với mọi giá trị mà Evelyn trân quý. Nhưng! Chính Evelyn này mới là Evelyn được chọn, khi mà cô, thông qua những lựa chọn của mình, đã kiên trì với nhân tính của mình, đã trung thành với những lựa chọn của mình, dù cho nó có không đi đến đâu chăng nữa. Đi đến đâu, là đến đâu? Ai cũng nói người phải chạy, chạy hay là chết, nhưng không ai nói rằng, người phải chạy đi đâu. Nếu đích đến chỉ là cái chết, là hư vô, tại sao người không đến đích ngay bây giờ và tự kết liễu tất cả, như Joy đã kết luận? Đối mặt với hư vô hỗn loạn đó, đối mặt với câu hỏi tồn tại đó, đối mặt với con mắt của thâm uyên, Evelyn đã có câu trả lời của mình: Người phải từ bỏ Thần tính và khám phá Nhân tính của mình. Người phải sống và tìm ra ý nghĩa của cuộc sống qua chính sự sống đó; không một ai có thể làm thay cho người. Chính bằng việc quay lưng với tất cả mọi thực tại Evelyn "thành công" mà quay lại với thực tại Evelyn "thất bại", từng bước, từng bước một đối diện với mọi lỗi lầm và hệ quả của lựa chọn của mình, Evelyn và Joy đã đi trên con đường khám phá Nhân tính của mình và quay mặt lại với Hư vô. Sống, chính là Người; Người, chính là Sống.
Tôi đọc những dòng tâm sự vô danh của những bạn trẻ trên mạng. Hoàn cảnh của họ có thể khác nhau, xuất thân của họ có thể bất đồng, nhưng nỗi đau hiện thế của họ chính là như nhau. Trầm cảm, mất động lực sống, không muốn rời khỏi giường, muốn kết thúc tất cả -- họ chính là những nạn nhân của Ảo ảnh Tự do. Trong thời nguyên thủy, khi con người còn là đầy tớ của Thánh thần, họ khao khát Tự do, họ khao khát trở thành Thần. Khi đó, họ sinh ra hoặc là con của người nông dân, hoặc của người thợ mộc, hoặc của người nhà binh. Quỹ đạo cuộc sống của họ đã được định trước, ý nghĩa cuộc sống của họ chính là tiếp bước truyền thống cha ông họ. Họ sẽ sống ở ngôi làng đó, cưới người vợ gả người chồng ở ngôi làng đó, sinh con đẻ cái và sẽ chết đi ở ngôi làng đó. Họ sẽ tôn thờ Thánh thần của họ, bảo vệ làng nước của họ, và sẽ hóa thần sau cái chết phàm tục của họ. Văn hóa của họ đã được bảo tồn từ đời này sang đời nọ; nếu có thay đổi cũng chậm chạp và khó lưu ý. Nhưng rồi, Ảo ảnh Tự do ập đến. Con người bị trốc gốc, bị vứt vào một thế giới đầy biến động và luôn thay đổi, và, như Sartre đã nói, họ bị kết án phải tự do, phải tự quyết định mọi thứ thuộc về Nhân tính của mình. Làm nghề gì, yêu ai lấy ai, sống ở đâu, theo văn hóa nào, tin vào đức tin nào. Ảo ảnh Tự do tưởng chừng như là một sự giải phóng, nhưng nó lại ném con người vào Hư vô không lối thoát. Không thể quyết định được quỹ đạo cuộc đời mình trước muôn vàn lựa chọn, con người bị tê liệt và mất đi Ý nghĩa của cuộc sống. Họ đã hoàn toàn đánh mất bản sắc và Nhân tính của mình chỉ để trở thành Thần, chỉ để đạt được Ảo ảnh Tự do mà thôi. Và, cũng như Joy, họ đã lạc lối trong Hư vô, Hỗn độn; họ đã hoàn toàn quên mất rằng Người chính là Sống, và Sống chính là Người.
Comments
Post a Comment